Việc cho trẻ em tiếp xúc sớm với tivi, điện thoại trong xã hội hiện đại đã không còn quá xa lạ. Sử dụng đúng mục đich và thời lượng sẽ giúp trẻ học tập và tiếp thu kiến thức tốt. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều thiết bị điện tử gây ra những ảnh hưởng đến tâm sinh lí của trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra bệnh lí ngày càng phổ biến hiện nay –  Hội chứng TIC

Vậy bệnh rối loạn TIC là gì? Đó là một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ ý, xảy ra bất ngờ nhanh chóng và lặp đi lặp lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của trẻ.

Vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây rối loạn Tic. Tuy nhiên, một số yếu tố về môi trường và sinh học có thể gây ra hội chứng này. Ví dụ, các chất gây dị ứng, hóa chất trong sản phẩm làm sạch; thậm chí do bị ảnh hưởng bởi phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử bởi ánh sáng màn hình tivi, điện thoại.

Cũng có nghiên cứu cho rằng, rối loạn Tic do di truyền, do những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh. Hội chứng Tic cũng có thể do đột quỵ, chấn thương đầu, nhiễm trùng, thoái hóa thần kinh, tế bào gai thần kinh,…

Hiện nay, trẻ em được ba mẹ cho tiếp xúc với tivi, điện thoại từ rất nhỏ để đỡ mất thời gian trông coi, tập trung vào công việc khác hoặc xem như một phương pháp thay thế giúp dỗ dành trẻ, để trẻ ăn nhanh hơn, dễ dàng hơn.

TIC có 2 dạng:

  • TIC đơn giản liên quan đến một nhóm cơ hoặc âm thanh đơn giản. Trong đó, TIC âm thanh biểu hiện như thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét… TIC vận động biểu hiện như nháy mắt, nhăn mặt, chun mũi, nhún vai, gật lắc đầu tự ý, giật cơ hàm.
  • TIC phức tạp liên quan đến nhiều nhóm cơ như nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn…

TIC không gây nguy hiểm nhưng nó gây mất thẩm mỹ cho trẻ, khiến trẻ tự ti, kèm với việc nghiện các thiết bị điện tử dễ dẫn đến trẻ trầm tính, ít nói, thậm chí dễ cáu gắt bực bội, ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của trẻ.

Để điều trị bệnh thì chúng ta có thể dùng các phương thức xoa bóp bấm huyệt và châm cứu với các hình thức hào châm, nhĩ châm, cấy chỉ. Trong đó xoa bóp bấm huyệt với các thủ thuật xoa, xát, day, cuộn … kèm bấm các huyệt như Bách hội, Phong trì, Hợp cốc, Suất cốc, Tình minh, Hạ quan, Thái dương, Ế phong, Địa thương, Quyền liêu, Đầu duy, Toán trúc, Giáp xa, A thị huỵêt … sẽ rất tốt cho trẻ rối loạn TIC. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tiếp xúc nói chuyện với con nhiều hơn, hạn chế việc xem các thiết bị điện tử, cho con đi tập thể dục thể thao như võ thuật, bơi lội, múa, hội họa. Phụ huynh cũng nên xem ti vi cùng con để chọn chương trình phù hợp cũng như đặt những câu hỏi nhằm kích thích tư duy giúp trẻ phân biệt đúng sai và thu nhận những lợi ích mà tivi mang lại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *